Thanh Y Dao - Chương 6
Ngày 22 tháng 2 năm 1920 – Mùng Ba Tết Nguyên đán
– Mẫu hậu con muốn ban hôn cho con và tiểu thư Phạm Khánh Nhã. Con thấy sao?
Hoàng đế ung dung ngồi trên ghế đá. Ông đang cùng Hạc Hiên đánh cờ tướng. Ngự hoa viên chỉ có ông, chàng và hai tay thái giám thân cận. Sáng hôm nay là một ngày đẹp trời.
– Nhi thần muốn nghe ý của phụ hoàng trước.
Chàng đưa Mã đỏ qua sông, ngay lập tức Pháo đỏ ở giữa bàn cờ vào thế chiếu Tướng. Nước đi này chưa có gì là hiểm hóc với Hoàng đế.
– Với trẫm, hôn sự là việc trọng đại. Con đồng ý thì trẫm không có lí do gì để phản đối.
Hoàng đế di quân Sĩ xéo lên ngay trước mặt Tướng, chặn đứng đường chiếu của Pháo bên chàng.
– Vậy nếu nhi thần không đồng ý thì sao ạ?
Mã đỏ của chàng đi một đường chữ L, tiếp tục chiếu Tướng.
– Trẫm sẽ khuyên con suy nghĩ lại.
Tướng đen được ông đặt sang trái thế chỗ quân Sĩ vừa nãy, kết thúc chiêu dồn Tướng của chàng. Ông vuốt râu vẻ hài lòng.
– Vậy thì e là nhi thần không có cách nào để từ chối. – Nhìn Tướng của phụ hoàng đi vào tầm ngắm, chàng xuất Xe qua sông, chiếu Tướng hết cờ. Nước cờ dù dễ đoán nhưng Hoàng đế cũng không thể làm khác được
– Phụ hoàng nhường rồi. – Chàng cười nhưng không đắc ý.
Hoàng đế gật gù khen:
– Hiên, con đánh cờ giỏi hơn trẫm rồi.
– Nhi thần không dám. – Chàng vẫn giữ thái độ khiêm tốn.
– Đi dạo với trẫm.
Hoàng đế đứng dậy đi trước, từng bước hướng về Minh Nguyệt cung của Hoàng hậu. Cả hai băng qua cầu.
– Ngày xưa, trẫm và mẫu phi con thường hay tản bộ quanh đây. Mẫu phi con thích hoa lắm. Trồng biết bao cũng là không đủ với nàng ấy.
– Vậy ạ? – Mặt chàng tối lại khi nhắc đến mẹ.
– Nhưng mẫu hậu lại dị ứng với phấn hoa. Ngày ấy, nàng đang mang thai em trai con. Trẫm đành cho người nhổ hết hoa đi. Vậy mà mẫu phi con, nàng ấy chẳng nói gì cả.
Chàng không nhớ chuyện này. Năm ấy chàng mới chỉ chập chững biết đi.
– Hiên à. – Hoàng đế dừng lại để chàng đi ngang hàng với mình – Trẫm gặp mẫu phi con trước cả Hoàng hậu. Nhưng nàng chỉ là thứ nữ của một tri huyện. Còn mẫu hậu con lại là đích nữ của Thái sư. Thời điểm ấy, thế lực của Thái sư trong triều vô cùng lớn mạnh. Tiên đế buộc phải dùng đến mối hôn sự của trẫm và mẫu hậu để nhanh chóng xóa bỏ hiềm khích. Con biết đấy, đôi khi trẫm cũng không được làm theo ý mình. – Ông nhìn sang chàng – Phạm Bằng tuy chỉ là một Tham chính nhưng lão có Thái tử chống lưng. Con mới về kinh thành không lâu, trong tay không có binh lực. Nếu chỉ vì việc không thích một nữ nhân mà bỏ qua cơ hội củng cố thế lực thì không được sáng suốt.
– Nhi thần hiểu.
– Trẫm nghe nói con muốn về Lam Thành. – Ông tiếp.
– Lam Thành vừa trải qua trận hạn hán, lương thực thiếu hụt trầm trọng. Dù đã tiếp tế đến hai tấn gạo nhưng vẫn còn rất nhiều người chết đói. Trẻ em ở đây cũng liên tục mất tích không rõ nguyên do. Chuyến này, nhi thần muốn tự mình điều tra. Mong phụ hoàng thành toàn cho nhi thần.
– Để con ở Bạch Dương nhiều năm, lòng trẫm cũng áy náy không dứt. Nhưng đưa con về đây không có nghĩa là con có quyền can dự vào những chuyện như thế này.
Hoàng đế dường như trông chờ vào cái gật đầu hiểu chuyện của chàng. Nhưng chàng chỉ đáp:
– Bẩm phụ hoàng, yên phận không phải là mục đích nhi thần quay trở về kinh thành. Vẫn mong phụ hoàng cân nhắc để nhi thần xuất thành điều tra.
– Lam Thành là bát cơm của Thái tử, con không nên can thiệp quá sâu vào chuyện của nó. Con nên nhớ, danh xưng Tuệ Vương đã là ân sủng lớn nhất trẫm dành cho con. Vốn dĩ mẫu phi con mang trọng tội, đưa con về trẫm nhận không ít dị nghị. Còn những vị trí cao hơn nữa, trẫm đều đã sắp xếp cả. Sau này trẫm băng hà, mọi thứ cứ như vậy mà làm. Nếu còn muốn dọn đường cho các con của con đi sau này thì nhớ lấy bốn chữ “an phận thủ thường”.
Cuộc trò chuyện dần đi vào hồi kết khi cổng Minh Nguyệt cung dần hiện ra trước mắt họ. Chàng không đến thăm Hoàng hậu mà trở về phủ. Lúc này, Xuân Kỳ đã mời được rất nhiều đại phu về khám bệnh cho Thanh Ca nhưng kết quả đều không được khả quan cho lắm. Giải thích cho sự vắng mặt của “Soái Ca Giang Hồ”, cô nói hắn là một kẻ cố chấp. Nếu không phải người quen hắn tuyệt đối không xuất đầu lộ diện. Công cuộc chữa trị của họ lại đi vào ngõ cụt.
Chàng thay Xuân Kỳ chăm sóc Thanh Ca, cho phép cô nghỉ ngơi rồi luyện kiếm một lúc. Buổi chiều thường là thời điểm luyện tập của Xuân Kỳ với Đức Khải. Hôm nay hắn đi vắng, chỉ có cô tung hoành khắp khuôn viên. Tập xong, cô dắt Tiểu Thục dạo phố.
Tuy đã uống qua một lượt thuốc nhưng Thanh Ca vẫn chưa có dấu hiệu tỉnh lại. Chàng ngồi bên mép giường, lặng lẽ nhìn sang. Vết thương trên ngực nàng vẫn còn rỉ máu, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, màu máu lại đỏ thẫm, khác với ấn tượng của chàng khi còn ở trong hang đá.
Chàng nhớ rõ máu từ tay nàng đen như màu mực viết. Nâng tay nàng lên, chàng thấy đầu ngón nàng thâm tím lại, bên trên lỗ chỗ nhiều vết đâm. Rõ ràng, không phải chỉ một lần nàng dùng kim châm nặn máu. Mà mỗi lần như vậy là vết chàm trên mặt nàng lại biến mất. Nếu sắc tố đen trên da mặt nàng là do độc tố gây nên thì hẳn việc châm kim cũng là để đảo ngược quá trình tác động của độc tố. Tuy nhiên, đã hai đêm không ai thay nàng nặn máu đầu tay. Chàng đoán nàng chưa tỉnh lại là vì lí do này.
Ý tưởng châm kim cho nàng nhanh chóng được chàng thực hiện. Sau khi hơ kim khử trùng, một tay chàng đỡ lấy bàn tay nàng, một tay cẩn thận châm sâu vừa phải vào đầu ngón. Chàng hơi lúng túng khi nặn máu ra nhưng sang đến tay kia thì đã nhanh nhẹn hơn một chút. May sao chàng vẫn nhớ thao tác của nàng khi còn trong hang.
Giọt máu độc cuối cùng rơi xuống cũng là lúc vết chàm trên mặt nàng lặn mất. Thanh Ca bừng tỉnh, theo phản xạ hít một hơi sâu. Đôi mi nàng chớp nháy liên tục, hai bàn tay siết chặt lại, tay trái vô tình cấu vào thứ gần nhất trong tầm với là cổ tay chàng.
– Đau…
Nàng nhăn nhó như khóc. Mỗi lần nàng động đậy là miếng băng lại thấm thêm một ít máu. Nàng co ngang, duỗi dọc, mắt nheo nheo nhìn trần nhà. Cứ như thể nàng không biết là chàng đang ở đây.
– Nước… – Nàng mấp máy môi.
Không thể tả hết niềm phấn khởi của Hạc Hiên khi thấy nàng tỉnh dậy. Mặc bàn tay bị cấu đến chảy máu, chàng vẫn cứ ân cần bón nước cho nàng. Nàng uống xong, mắt lim dim như sắp ngủ nhưng chàng nhất quyết đỡ nàng ngồi dậy. Nằm nhiều sẽ không tốt cho quá trình hồi phục của nàng.
– Thanh Ca cô nương tỉnh rồi! Cô thấy trong người thế nào?
– Ta… – Nàng cuộn tay đập nhẹ vào đầu – Đau.
Nàng ngẩng lên. Lúc này mắt nàng đã thấy rõ. Người đối diện là vị nam nhân nàng gặp trong hang đá. Hôm nay chàng không đeo mặt nạ.
– Ngài… Đây là… – Trong đầu nàng nảy ra hàng vạn câu hỏi nhưng miệng chỉ lắp bắp được vài ba câu.
– Mong là cô chưa quên ta. – Chàng cười, lúm đồng tiền lại hằn rõ – Cô đã cứu ta đến hai lần. Còn đây là nhà ta, cũng là ở kinh thành.
Nàng nhìn sang và giật nảy mình. Tay nàng đã cấu chàng quá lâu.
– Ôi,… – Đến một câu xin lỗi cũng khó khăn với cái đầu còn choáng váng của nàng – Ta…
– Không sao. – Chàng thu tay lại nhưng không quá nhanh để nàng biết vết thương không hề gì.
– Tiểu Thục… đâu rồi?
– Hồi chiều con bé được dắt đi dạo. Ta đoán Xuân Kỳ đã tắm rửa và cho con bé ăn cơm. Giờ này cũng không còn sớm nữa.
Chàng nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời đã tối đen như mực.
– Ta ngủ bao lâu rồi? – Nàng bắt đầu nói năng trôi chảy hơn.
– Đến hôm nay đã là ngày thứ hai.
– Vết thương… – Nàng nhìn xuống ngực – Đau thật đấy. Có một chút thôi mà tưởng là sắp gặp Diêm vương. Vết thương ngài sao rồi?
– Không còn đáng lo ngại nữa.
– Bọn thích khách ấy… đều bị xử lí cả rồi chứ?
– Cô an toàn rồi. – Chàng nói, cúi đầu hối lỗi – Đều là do ta. Bọn chúng vì đuổi theo ta mà làm hại đến hai mẹ con.
Nàng xua tay thật nhẹ tỏ ý không việc gì:
– Thế còn đại thúc thì sao? Ông ấy ổn không?
Đáp lại lời nàng là cái lắc đầu chậm rãi của chàng. Nàng hơi trừng mắt rồi ngậm ngùi ngoảnh đi. Chàng thấy tà áo nàng ướt sũng. Phải mất một lúc để nàng bình tâm trở lại.
– Cầu cho đại thúc và đại nương sớm ngày đoàn tụ.
– Khi nào cô khỏe lại có thể cùng ta đến thăm mộ của đại thúc.
Nàng gật đầu khe khẽ. Lúc nhìn xuống tay mình, nàng nhận ra là mười đầu ngón đã hồng hào trở lại, nghĩa là đã có người nặn máu độc ra cho nàng. Không cần đoán cũng biết là ai.
– Sao ngài biết châm kim đầu ngón? – Nàng nhìn chàng bằng ánh mắt dè chừng. Theo như nàng nhớ thì vị nam nhân này hoàn toàn không có kiến thức gì về y học.
– Là đêm ở trong hang, ta thấy cô làm vậy. Thuốc đại phu kê cô uống rồi mà vẫn chưa tỉnh lại. Ta chỉ nghĩ là đánh cược một phen xem sao. Không ngờ… cô tỉnh lại thật. – Chàng cười thật tươi.
– Hóa ra ngài nhìn trộm ta. – Nàng trưng ra bộ mặt cau có quen thuộc – Ngài có ý đồ gì xấu nên mới giả vờ ngủ say. Ta biết ngay mà.
Chàng bật cười:
– Ta mà có ý đồ xấu thì đã bộc lộ ngay rồi. Còn đợi đến khi cô bị thương rồi mới lộ tẩy sao?
– Ai biết ngài nghĩ gì kia chứ? – Nàng dẩu môi – Có phải vết chàm trên mặt ta biến mất rồi không?
Chàng gật đầu.
– Thế nên trông ngài khác hẳn.
– Khác là sao?
– Ngài nhìn ta từ nãy đến giờ. – Nàng cười nhạt – Người ta thường sẽ không nhìn ta lâu như vậy. Những vết chàm sẽ khiến họ rùng mình đến mức buồn nôn.
Nàng thở dài. Cảm giác lâng lâng cuộn trào trong nàng.
– Sao lại nói như vậy?
– Ngài không cần lo ta buồn. Ta quen rồi.
Cái phẩy tay nặng nề của nàng làm chàng không ngừng suy nghĩ.
– Cô đẹp lắm. – Đột nhiên, chàng nói.
Nàng hơi bất ngờ nhưng vẫn giữ cái giọng đều đều:
– Đó là vì bây giờ ngài không thấy vết chàm của ta.
– Kể cả là thế thì cô vẫn rất đẹp.
Chàng cười. Đôi mắt chàng ánh lên cái vẻ gì mà khiến nàng tin ngay lập tức. Hai gò má nàng ửng lên vì một chút rung động nơi trái tim. Cả hai bỗng lặng đi một lúc. Không muốn để không khí gượng gạo kéo dài, nàng lảng sang chuyện khác:
– Dù sao cũng cảm ơn ngài cứu ta một mạng. Ta cứu ngài, ngài cứu ta. Chúng ta coi như không ai nợ ai. Ta và Tiểu Thục dù gì cũng không thể ở phủ của ngài mãi. Lỡ đâu thê tử ngài phát hiện lại nói ta tâm cơ thì hỏng.
– Thê tử? – Chàng rướn mày ngạc nhiên, nhưng không quá căng thẳng – Ai nói cô vậy?
– Ta đoán thôi.
– Thê tử ta sẽ không dám làm khó cô nếu còn ta ở đây.
– Thật sao? – Nàng tưởng là mình nghe lầm – Vậy mà ta còn tưởng…
– Ta đùa thôi. – Chàng khẽ cười – Cô yên tâm ở lại đây dưỡng bệnh.
– Vậy là không có thê tử thật? – Nàng lẩm bẩm.
– Lo lắng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. – Chàng lại nhắc, nhưng nàng không thấy khó chịu như trước nữa.
– Xem ra ngài đã biết tình trạng của ta rồi. Ta trúng độc, nay lại thêm vết thương này, ngài cưu mang ta chỉ thêm phiền phức. Ta chết rồi mất công ngài làm ma chay, cúng tế. Cứ để ta và Tiểu Thục đi. Chuyện ơn huệ chúng ta coi như hòa rồi.
– Ta không muốn nói gở nhưng ngộ nhỡ cô không khỏe rồi Tiểu Thục biết phải làm sao?
– Ta biết ngài lo cho con bé. Nhưng thật sự ta còn có việc phải làm. Hơn nữa, dù ngài chưa thành thân, chứa chấp hai mẹ con ta cũng đã là không nên. Thanh danh của ngài rồi sẽ phải làm sao?
Chàng không nghĩ là nàng sẽ lo đến mức ấy.
– Ta không sợ lời ra tiếng vào của người ngoài. – Chàng quả quyết – Những kẻ đang truy lùng hai mẹ con vẫn đang còn lảng vảng ngoài kia. Bây giờ ta để cô đi thì ta chính là kẻ vong ơn bội nghĩa nhất.
– Được rồi, được rồi. – Nàng xua tay như để giảm bớt căng thẳng – Ta không thích ngài nói mấy lời như vậy đâu. Ta nói rồi, ngài đưa ta về kinh thành, ta biết ơn không hết. Ta cũng đâu cần ở lại phủ ngài làm gì? Chúng ta không quen không biết, may mắn bên nhau lúc hoạn nạn. Bây giờ nguy hiểm đã qua, chúng ta đường ai nấy đi. Mong ngài hiểu cho ta. Bây giờ, ta phải đi đây.
– Thôi được. – Chàng dang tay ngăn lại, nét mặt vô cùng miễn cưỡng – Giờ đã không còn sớm. Nếu cô muốn thì ngày mai hẵng đi. Ta cũng sẽ không giữ cô lại nữa.
– Cảm ơn. – Nàng nói – Thật ra, ngài hỏi ta là có muốn biết ngài là ai không. Ta đoán cả bao lâu mà vẫn không ra. Mà chắc có lẽ ngài không phải Hoàng đế đâu nhỉ? Ta nhớ lúc ta sinh ra thì Hoàng đế đã đăng cơ rồi.
Chàng nghe xong lại tủm tỉm cười:
– Hôm rằm, ngày ăn ba bữa, mỗi bữa có đủ một canh, một xào, một kho. (*)
Nói rồi chàng rời phòng. Nàng nhìn theo, miệng lẩm bẩm:
– Giải đố sao? Rằm, ba bữa, mỗi bữa ba món… – Ngẫm nghĩ một hồi nàng kêu lớn lên – Ngài là Nhị Hoàng tử?
(*: Hạc Hiên dùng toán để gợi ý cho Thanh Ca, cụ thể là: Rằm là 15; ngày ba bữa là 15/3=5; mỗi bữa ba món kho, xào, canh là 5-3=2. Số 2 ám chỉ vị trí của chàng trong bốn vị Hoàng tử).
Không một tiếng đáp lại.
– Chẳng trách lại hỏi mình nghĩ sao về bốn vị Hoàng tử. – Nàng trút một hơi thở dài. Vẫn biết thân thế chàng không tầm thường, nàng cũng không thể ngăn mình nghĩ ngợi về ba chữ “Nhị Hoàng tử” mà chàng để lại.
Bấy giờ nàng mới để ý, người thay đồ cho nàng thật có tâm. Bộ y phục có màu mà nàng thích nhất, một nửa mảnh ngọc vẫn dắt ở đai lưng. Vẫn may nó không rơi ngang đường. Nàng ở kinh thành là vì thứ này. Thiếu nó coi như nàng mất cơ hội thực hiện di nguyện cuối đời của mẹ. Nghĩ đến đây, kí ức mười năm trước đột ngột sống lại.
Nàng nhớ…
Mình đang đứng trước cửa nhà. Mẹ nàng, bà đang nằm đó. Mặt bà bị cào đến nát bấy, có một bàn tay bị đứt lìa. Bà với tay kia đến chỗ nàng, nhưng không đủ sức để nhích được thêm phân nào. Bà nằm sấp, dường như chỉ muốn che đi vết cào sâu ngay bụng. Máu bà nhoe nhoét trên sàn gỗ.
Đêm hôm khuya khoắt, cả làng không còn ai. Bọn họ đều đã chết.
Giây phút trông thấy bà, nàng tưởng là mình có thể lịm đi ngay lúc ấy. Nhưng bà lại gọi tên nàng. Có cái gì nghèn nghẹn ở cổ họng khiến nàng nói mãi không thành lời.
– Mẹ…
– Ca, Ca…
Trong tay bà cầm cái gì. Nàng sà đến đón lấy. Bà thả vào tay nàng miếng ngọc bội rồi dặn:
– Tìm người ấy… Ca… Người giữ một nửa mảnh còn lại. Nói với người ấy rằng mẹ xin lỗi…
– Mẹ… mẹ… – Tay nàng đỡ lấy ngực bà.
– Chạy đi con, Ca… Hắn đến ngay thôi.
Bà vừa dứt lời thì cái bóng đen hiện ra ngay sau lưng nàng.
Đoạn hồi tưởng đến đây thì ngừng hẳn. Nàng không muốn nhớ lại nữa. Lâu lắm rồi nàng mới để mảnh kí ức vụn vỡ này xen vào dòng suy nghĩ. Nếu cứ gạt nó sang một bên mà không bao giờ nhớ tới thì sẽ tốt là bao. Nhưng có sao thì nàng vẫn phải đối diện với nó vào một ngày không xa. Không thể để mảnh vỡ trôi nổi ấy khắc sâu vào tim nàng, nhất là khi nàng không còn nhiều thời gian trên trần thế.