Thanh Y Dao - Chương 4
Ngày 20 tháng 2 năm 1920 – Mùng Một Tết Nguyên đán
Tiểu Thục đã nằm thiếp đi bên cạnh chàng. Nàng vẫn mải mê cào lửa, chốc lại ngước lên nhìn Hạc Hiên. Chàng không ngủ, dường như đang suy nghĩ điều gì.
– Sao chưa ngủ đi? – Nàng khẽ hỏi.
Chàng lắc đầu:
– Cô ngủ đi, ta trông cho. – Trông nàng còn hơi dè chừng, chàng lại tiếp – Ta đang bị thương, sẽ không làm gì được đâu, cô yên tâm.
Nàng không có ý muốn trả lời liền hỏi sang chuyện khác:
– Còn lạnh không? Không thì ta dập lửa đây. Đốt lâu trong hang kín dễ gây ngạt.
Chàng gật đầu. Nàng dội nước và bếp lửa xèo khói. Chẳng mấy chốc cái hang lại mịt tối. Nàng lọ mọ bò ra góc sáng ngồi nghỉ.
– Thanh Ca cô nương và Tiểu Thục hẳn cũng như ta nên mới chạy đến tận đây. – Chàng nói.
Giọng nàng đầy bất lực:
– Chúng ta cùng cảnh ngộ mà. Ai mà biết đêm Giao thừa lại phải chui vào nơi này? Bọn họ cũng thật biết chọn ngày để chơi trò đuổi bắt. Đường từ đây về kinh thành chắc còn xa lắm, chẳng biết mẹ con ta có đi kịp trong ngày mai không.
– Cô cũng muốn về Hồng Thanh?
– Phải.
– Ta cũng đang trên đường trở về. Ơn cứu mạng của cô và Tiểu Thục, ta chưa biết đền đáp như thế nào. Hay là để ta đưa mẹ con cô về kinh thành?
– Thôi, ngài bị thương thế kia, chưa biết chừng đi ngang đường lại bị chúng chặn đánh, mất mạng cả ba. – Nàng chống cằm suy tư.
– Dù sao ta cũng phải về Hồng Thanh một chuyến. – Chàng nhếch môi – Bị thương chưa chắc đã là phế nhân mà, cô nương có nghĩ vậy không?
– Ta đâu nói ngài là phế nhân. Nhớ ơn ta thì chỉ giữ trong lòng là được rồi. Ta cũng không cần ngài phải trả.
– Hai mẹ con dù sao cũng không thể ở đây mãi. Chi bằng ngày mai cứ cùng ta khởi hành. Nếu không muốn trả ơn thì hãy coi như đây là một lời đề nghị chân thành của ta, được không?
Nàng chép miệng:
– Thôi được. Vậy ngài định thế nào?
– Đi về hướng Đông. – Chàng đáp, vẻ mặt thần bí vô cùng.
– Ta tin ngài được không đây? Sao nghe như chuyện trẻ con vậy? – Nàng nheo mắt nhìn chàng.
– Trông ta không đáng tin đến vậy sao?
– Vô cùng gian manh là đằng khác. – Nàng cong môi – Thôi được. Không tin cũng phải tin vậy. Bây giờ ngài ngủ trước một canh giờ, sau đó ngài thức trông cho ta ngủ. Đến giờ Mão là chúng ta có thể khởi hành.
– Được.
Nói là vậy nhưng chàng không ngủ ngay. Phải mất một lúc để tìm ra tư thế ngồi thoải mái mà không đụng chạm đến vết thương. Vừa thiếp đi, chàng đã bị tiếng ho của nàng làm cho tỉnh giấc. Dù đã che miệng kín đáo nhưng nàng không cách nào ngăn được âm thanh vọng lại trong hang. Lắm lúc chàng thấy nàng gục xuống, một tay đỡ ngực, một tay chống xuống đất, dường như kiệt quệ vô cùng. Nhưng nàng luôn cố vực đầu dậy, cảnh giác trông về phía chàng, chỉ sợ âm thanh lớn làm kinh động đến giấc ngủ của chàng và con. Mỗi lần như vậy, chàng đều vờ nhắm mắt.
Hồi sau, khi cơn ho dịu đi, nàng tựa mình vào vách đá, tay run run vén tóc. Mặt nàng đẫm mồ hôi, đôi môi nhợt đi như chính màu da nàng hiện tại. Nàng lấy kim châm vào mười đầu ngón sưng đỏ, ép cho máu chảy ra. Máu rỏ xuống từng giọt, giọt nào giọt nấy đen như màu mực viết. Dưới luồng sáng nhạt nhòa từ mảnh trăng khuyết truyền tới, từng vết chàm trên mặt nàng lặn dần rồi biến mất. Nàng trở lại với nước da trắng mịn với đôi má hây hây đỏ. Hóa ra…
Nàng cũng có lúc đẹp đến vậy.
Chàng đã tưởng là mình nhìn lầm. Nhưng có bao cái chớp mắt thì nàng vẫn đẹp như thế. Nàng không điệu đà. Chàng đã thấy không ít kiểu vấn tóc cầu kì của dàn mĩ nữ kinh thành nhưng có lẽ của nàng vẫn là đặc biệt nhất, vì nàng không làm gì cả. Hai lọn tóc mái rủ xuống quá cằm được vén gọn sang hai bên, còn đâu nàng đều vuốt ra sau, buộc thành một túm nhỏ. Trâm nàng không cài, vòng không đeo, không phấn son trang điểm. Tất cả đều gợi chàng nhớ đến một người đã từng là tuyệt thế giai nhân trong lòng chàng.
Thế rồi, khi máu ở tay nàng ngưng chảy, gương mặt nàng lại hiện lên những vết chàm quen thuộc. Nhưng nhìn sao chàng vẫn không thể rời mắt.
Trời bắt đầu trở gió. Nàng run rẩy thu mình vào một góc rồi lịm đi lúc nào không hay. Chàng gỡ tấm áo, choàng qua người nàng.
*
Ngày sau, ba người khởi hành từ sớm. Nàng làm một cái mạng che mới từ tay áo, còn chàng vẫn đeo mặt nạ như bình thường. Chàng đi trước, nàng ôm Tiểu Thục lẽo đẽo theo sau. Đoạn nào trơn trượt, chàng bước thật vững rồi đưa tay đỡ nàng sang. Ba người họ cứ theo hướng mặt trời mà đi. Đi được nửa ngày đường, nàng ngỏ ý muốn dừng chân bên suối uống nước. Ven bờ mọc rất nhiều cỏ Trầm Linh, lá to bằng bàn tay, cuống lá vừa cứng vừa có gai. Nàng đưa tay hái hết cho vào túi nải. Cả ba nghỉ ngơi một lúc rồi tiếp tục lên đường. Đến chiều thì chàng thay nàng bế Tiểu Thục. Chàng để con bé ngồi lên vai, vừa lội suối vừa cho con bé ngắm cảnh.
– Ngài bị thương, đừng cố sức như vậy. Tiểu Thục, con xuống đi bộ một lát đi rồi chốc mẹ bế. – Nàng kéo áo ra hiệu cho chàng dừng lại. Chàng ngoảnh lại nhìn nàng:
– Không sao. Đi bộ cả ngày, cô mệt mà con bé cũng mệt. Chi bằng để ta đỡ hai mẹ con một chút.
– Ngài chiều Tiểu Thục quá. – Nàng nhăn mày – Cứ để con bé xuống đi.
– Mẹ… – Tiểu Thục nhìn nàng bằng ánh mắt xin xỏ – Con thích được cha cõng thế này. Trông con cao lớn hơn hẳn. Mẹ nhìn kìa. – Con bé chỉ tay xuống đất – Bóng của cha và con cao thế kia, chắc chắn sẽ che được nắng cho mẹ.
– Mẹ dặn con rồi, con không được gọi là cha. – Nàng lại nhăn nhó – Ngài ấy thân phận cao quý như vậy…
– Thôi kìa, trời sắp tối, ta phải đi nhanh thôi kẻo muộn. – Chàng ngắt lời bằng một câu chẳng liên quan rồi ung dung đi thẳng. Nàng nhìn theo, lại thở dài khe khẽ.
Chiều xuống, cả ba đi ngược hướng mặt trời lặn. Trời nổi gió, đường cũng bắt đầu gập ghềnh khó đi. Đến lúc này thì ý nghĩ bắt Tiểu Thục đi bộ của nàng cũng không còn khả thi nữa. Ngay cả nàng còn gặp khó khăn với đoạn đường khúc khuỷu lầy lội này, nói chi đến đứa trẻ bốn tuổi như con bé. Rất may là có Hạc Hiên đi trước dẫn đường, nàng chỉ việc bước theo dấu chân chàng để lại trên đất để vượt qua. Gần nửa canh giờ sau, họ thoát khỏi quãng bùn lầy. Cả ba vừa đến chân núi thì trời tối.
– Phía trên có nhà! – Một ngôi nhà nằm cheo leo vách đá lọt vào tầm mắt nàng. Nàng chỉ tay và cả ba cùng ngước lên.
– Chắc là nhà của thợ săn. Lên xin được tá túc vậy. – Chàng bảo – Đêm nay chúng ta chưa thể rời rừng rồi.
Nghĩ Tiểu Thục cả ngày dãi nắng không có nổi miếng ăn, nàng cũng không đành lòng đi tiếp. Vả lại có đi chắc cũng chẳng tới nơi. Nghe chàng nói thì phải mất nửa ngày nữa mới đến được kinh thành nếu là đi bộ.
– Ừ, lên thôi vậy. – Nàng đáp.
Đường lên nhà không khó đi như khi còn ở quãng lầy nên dù hơi dốc, cả ba vẫn leo lên được. Chập tối, người trong nhà đã bắt đầu vào bếp. Mùi thức ăn từ khe cửa xông ra khiến bụng Tiểu Thục réo lên.
– Mẹ, Tiểu Thục đói. – Con bé xoa bụng.
– Mẹ biết. – Nàng trìu mến nhìn con – Ráng chờ một lát nhé.
Chàng gõ cửa. Người tiếp chàng là một lão thợ săn già nua. Râu tóc lão bạc phơ và bù xù. Người lão không hẳn là to nhưng ba bốn lớp áo dày khiến lão nhìn có tướng tá hơn hẳn. Một bên mắt của lão bị chột, bên còn lại thì đảo liên tục, hình như là đang dò xét ba con người trước mặt.
– Bọn mi là ai?
– Đại thúc. – Chàng kính cẩn khom người – Chúng ta là người qua đường, vô tình lạc vào rừng, đã đi một ngày mà chưa tìm thấy lối ra. Trời đã tối, mong đại thúc cho chúng ta tá túc một đêm.
Lão nheo mắt, ghé sát mặt chàng:
– Thật thế không? Hai người kia có quan hệ gì với ngươi? Hay là ngươi bắt cóc chúng rồi áp giải đến đây?
Dạo gần đây, dưới thị trấn xảy ra nhiều vụ bắt cóc trẻ con thật. Lão đề phòng cũng là đúng thôi.
– À. Là thê tử và con gái chúng ta.
Lão bán tín bán nghi, tiếp tục hỏi:
– Sao trông không giống gì hết vậy?
Lão quay sang nhìn nàng. Nàng với Tiểu Thục thì lão tin chắc là mẹ con vì con bé vẫn đang còn nắm tay nàng. Còn chàng với nàng khi ấy thì không có tương tác gì nên lão mới sinh nghi. Biết vậy, nàng đan lấy tay chàng, bẽn lẽn thừa nhận:
– Dạ, đây là phu quân con.
Chàng thấy vậy càng siết chặt bàn tay thêm phần khẳng định:
– Có thể cho gia đình ta nghỉ lại một hôm được không, đại thúc?
Cặp lông mày dãn ra và lão phá lên cười:
– Nào, vào đi vào đi. Nhà ta có đủ chỗ cho cả ba đấy.
Chàng dắt tay nàng vào trong, bình thản như chẳng có gì. Lão thợ săn vừa quay mặt đi, nàng đã bẽn lẽn rụt tay về, bế Tiểu Thục ra ghế ngồi. Thấy thế, chàng chỉ tủm tỉm không nói gì.
Nhà lão không rộng, mà cũng không cần thiết phải rộng vì hình như lão sống một mình. Ngoài buồng lớn để sinh hoạt thì trong nhà còn hai buồng nhỏ khác nằm cạnh nhau. Buồng bên tay trái là chỗ ngủ của lão thợ săn, bên còn lại chắc là nơi để củi.
– Ban nãy ta thử lòng các người thôi. Dạo này bắt cóc trắng trợn lắm. Ta sợ trẻ con và các cô nương chân yếu tay mềm bị kẻ xấu lợi dụng.
– À. – Chàng gật đầu, kéo ghế ngồi xuống cạnh nàng. Vẻ ân cần của chàng làm nàng thiếu tự nhiên, lại phải kê ghế ngồi xích ra một chút.
– Các người đến đúng giờ lắm. Ta nấu cháo xương, trong nhà còn mấy hũ rượu mà chẳng ai tiếp chuyện cùng. Hôm nay Mùng một Tết, có ba người ở đây đúng là duyên trời.
Lão hì hục múc cháo ra bốn bát, bát nào cũng nóng hổi đặc quánh. Ba, bốn vò rượu được lão xách để lên bàn, chưa mở nắp đã thấy nức mùi hoa cải.
– Nào nào, ăn thôi.
Lão phân cho mỗi người một bát, trước khi ăn còn không quên nhìn Tiểu Thục một cái đầy trìu mến. Con bé nhoẻn miệng cười rồi xúc cháo ăn. Nàng tháo mạng che, ngượng ngùng bê bát cháo. Chàng rót rượu kính lão một ly.
– Mời, đại thúc.
– Mời.
Lão nâng lên rồi nốc cạn. Chàng nhìn lão, chỉ nhấp một ngụm rồi bỏ xuống. Đoạn, chàng quay sang hỏi han nàng:
– Nàng và con mau ăn đi kẻo nguội.
Nàng rất muốn bĩu môi trước chàng nhưng vì sợ lão thợ săn để ý nên chỉ dịu dàng đáp lại:
– Dạ. Chàng ăn đi cho lại sức. Chốc nữa còn phải rửa qua vết thương.
– Ha ha! – Lão ngửa cổ cười sảng khoái, quả nhiên từ bấy đến giờ vẫn quan tâm chuyện gia đình nàng – Đúng là đôi uyên ương trẻ còn rất mặn nồng. Hai đứa làm ta nhớ đến ta với thê tử ta ngày xưa. Chắc là có chết ta cũng không nghĩ mình đã từng ngọt ngào đến vậy. – Lão dịu giọng – Tiếc là, bà ấy ra đi sớm quá. Chúng ta cũng không có lấy mụn con nào.
Nàng giật mình, ngước lên nhìn lão thợ săn. Trông lão hung tợn thế kia mà cũng có lúc nước mắt lưng tròng. Mắt lão phản chiếu hình ảnh người vợ tảo tần đang đan sọt bên hiên. Khi người vợ ấy ngẩng lên, mắt bà ánh lên những tia sáng rực rỡ. Mắt lão bây giờ cũng sáng như vậy. Đó là hạnh phúc của vợ chồng lão. Thế rồi lão chớp mắt. Ánh sáng cũng theo dòng nước mắt chảy ra ngoài. Vợ lão tan biến.
– Ba mươi năm rồi, hai đứa ạ. – Lão hơi cúi đầu khi nhắc về thời gian – Vậy mà cũng nhanh. Ta cũng đến cái tuổi gần đất xa trời rồi. Chẳng biết bà ấy có đợi ta bên kia thế giới hay không?
– Chắc chắn là có, đại thúc. – Nàng vươn tay qua bàn, vỗ vào đôi bàn tay thô ráp của lão – Con tin là vậy. Đại thúc không cô đơn.
Lão cười hiền từ, điệu cười mà có lẽ hàng năm trời không xuất hiện trên gương mặt lão:
– Đứa nhóc này, cũng thật biết an ủi ta. Mà nhìn xem, con gái con ăn xong rồi mà cha mẹ chúng vẫn cứ còn nguyên bát cháo. Hai đứa chê cháo ta nấu à?
– Chúng ta ăn giờ đây, cảm ơn đại thúc. – Chàng khéo đáp.
– Cháo ngon lắm ạ. – Tiểu Thục liếm mép, gật đầu khen ngon.
– Ôi đứa trẻ này như mẹ nó, đáo để quá!
Lão cứ cười khà khà. Vừa ăn, lão vừa kể về chiến công săn thú của mình. Có lần lão săn được một con trăn hơn trăm năm tuổi, còn lột da đem xuống thị trấn bán.
– Nó phải dài bằng ba lần sải tay ta. – Lão dang tay mô tả – Nó không có độc nhưng sức cuộn của nó thì thôi rồi. Ta chặt đầu nó, đem da đi bán, còn đâu chế xương với thịt thành cao. Cao ấy mà uống rượu thì bổ lắm. Còn đây là chiến tích đấu hổ của ta… – Lão giương con mắt chột lên cho chàng xem.
Hai người lại cụng ly.
Ăn xong, nàng xin về phòng trước. Lão dọn hết củi trong buồng ra và thế là thành một phòng ngủ với độc một chiếc giường. Vậy là nàng với chàng buộc phải ngủ chung. Biết kiểu gì cũng lòi ra chuyện tai hại này nên nàng không phàn nàn gì mà vào trong luôn. Nàng tắm rửa cho Tiểu Thục xong thì chàng vào. Chẳng biết hai người uống được mấy ly mà mặt chàng đỏ như gấc. Nàng làm điệu bĩu môi quen thuộc rồi quay vào một góc.
– Ngài ngủ giường trên đi. Ta với Tiểu Thục trải đệm nằm.
Chàng không nói năng gì, cứ thế trải đệm xuống đất nằm trước.
– Nếu cô muốn nằm thì xuống đây nằm cùng ta. Còn ta ngủ đệm mặc ta.
Chàng nói cứ như đùa. Nằm cùng mà yên ổn được sao? Thấy nàng cau có, chàng bảo:
– Hôm nay Mùng một, nhăn nhó là sẽ giông cả năm đó.
Thuở bé, nàng sợ nhất là bị giông. Chỉ cần một cái nhăn mặt cũng sẽ bị vận xui đeo bám. Nàng vội lấy tay dãn hai bên lông mày, nở một nụ cười khiên cưỡng rồi hỏi:
– Thế này có còn giông nữa không?
Chàng tủm tỉm:
– Chỉ cần thoải mái thì sẽ không giông nữa.
Nghe vậy, nàng cũng cố tỏ ra là mình vẫn ổn. Bên cạnh, Tiểu Thục cầm miếng ngọc bội chàng tặng lên ngắm nghía. Nàng chơi với con một lúc rồi bước xuống đệm.
– Cởi áo ra. – Nàng nói như ra lệnh – Để rửa vết thương.
– Được rồi, được rồi. Để ta. – Chàng nhìn nàng có chút e sợ.
Chàng tháo cúc cởi bỏ hai lớp áo. Nàng tháo lớp băng quanh eo chàng rồi lau hết vết máu khô đóng vảy. Xong, nàng quấn lại lớp băng mới cho chàng.
– Thanh Ca cô nương không hổ danh là người học y, vừa nhanh vừa khéo. – Chàng nhanh chóng mặc lại áo.
– Gì đâu? – Nàng lại dẩu môi – Đến bệnh của mình còn không chữa được, cái danh người học y ta không xứng. Mà thôi, xong việc rồi. Ta ngủ đây.
Nàng trèo lên giường. Nhắc đến bệnh của mình, nàng lại thấy bứt rứt trong lòng. Mười năm trước, nàng trúng độc. Ba ngày đầu, nàng sốt cao li bì. Bắt đầu từ ngày thứ tư, trên mặt nàng bỗng xuất hiện những vết chàm nằm đè lên nhau, trông như quệt phải nhọ nồi. Mới đầu, vết chàm chỉ hiện lên khi đêm xuống. Chỉ cần nàng ngủ một giấc, sáng dậy là sẽ đỡ. Mấy tuần sau, độc thấm dần vào lục phủ ngũ tạng, da mặt nàng không trở lại như xưa được nữa. Từ sáng đến tối, ngày qua ngày, vết chàm cứ hiện hữu trên mặt nàng như một điều rất đỗi quen thuộc. Ngày ấy, đêm nào nàng cũng khóc vì vẻ ngoài xấu xí này. Nhưng càng lớn, nàng càng thấy đó là điều không cần thiết. Bây giờ, nàng cũng không suy nghĩ nhiều về nó nữa. Nhưng khi ở cạnh một nam nhân khác, cảm giác tủi hờn năm xưa lại vây lấy trái tim nàng.
– Thanh Ca cô nương. – Chàng đột ngột ngẩng lên nhìn nàng – Cô có biết chuyện bắt cóc ở thị trấn hay không?
– Biết. – Nàng chưa từng thể hiện là mình muốn tiếp chuyện chàng. Những câu nàng đáp thường rất cụt.
– Nói ta nghe được không?
– Thì… Mấy tháng trở lại đây, trẻ con dưới trấn liên tục mất tích. Gia đình có lên báo quan nhưng không ai giải quyết cả. – Nàng thở dài nằm ra mép giường – Ta vẫn mong là chúng ổn.
Chàng bắt tay lên trán, nằm vẻ nghĩ ngợi lắm. Thấy vậy, nàng hỏi:
– Ngài sẽ giải cứu bọn trẻ chứ?
– Sao cô nghĩ vậy?
– Ta mong vậy. Ngài có quyền. Chẳng phải quyền lực là để phục vụ những việc như vậy sao?
– Mẹ ơi, quyền lực là gì ạ? – Tiểu Thục quay sang lay tay nàng thắc mắc. Bấy giờ im lặng, nàng tưởng là con bé đã ngủ.
Nàng choàng tay qua người Tiểu Thục, vỗ về:
– Quyền lực á hả? Để mẹ nghĩ nhé… Là…
Nàng chưa biết định nghĩa sao cho con hiểu thì chàng tiếp lời:
– Là khi con được điều khiển một người khác hành động theo ý mình.
– Ừ, đại khái vậy. – Nàng nói.
– Vậy thì thích thật đấy ạ. Thế trên đời, ai là người quyền lực nhất hả mẹ?
– Là Hoàng đế, bé con ạ. Như chúng ta, dân triều Yên đều tôn sùng Hoàng đế – người có địa vị cao nhất. Bên cạnh ngài có Hoàng hậu. Địa vị của người chỉ thấp hơn Hoàng đế một bậc.
– Vậy các con của Hoàng đế thì sao hả mẹ?
– Hoàng đế có nhiều con. Con trai thì gọi là Hoàng tử, con gái thì gọi là Công chúa. Họ cũng có quyền. Như Hoàng đế của chúng ta có bốn người con trai vậy đó.
– Đó là những ai ạ? Con muốn nghe! – Tiểu Thục vòi mẹ kể bằng được. Mắt con bé ánh lên vẻ tò mò thường thấy ở trẻ con.
– Con đầu của ngài là Đại Hoàng tử, hiện đang là Thành Quận Vương trấn giữ biên cương. Con thứ hai của ngài, Nhị Hoàng tử thì làm quan ở huyện Bạch Dương. Tam Hoàng tử vừa mới được sắc phong làm Thái tử, đang ở trong cung. Người cuối cùng là Tứ Hoàng tử, vì còn trẻ tuổi nên chỉ chuyên tâm đèn sách, không màng chính sự.
– Ôi nghe ai cũng tài giỏi. Sau này con cũng muốn có quyền lực! – Tiểu Thục reo lên sung sướng. Con bé chẳng biết chút gì về chốn quan trường mà mình đang nói tới.
– Bé con à. Con có chắc là có quyền lực sẽ tốt không?
– Dạ… Con cũng không biết. Chỉ biết nếu có thể điều khiển được người khác thì mẹ và Tiểu Thục sẽ không phải chạy trốn thế này nữa.
Trong lòng nàng đang một mực cảm thán. Tiểu Thục không thích trốn, không thích chạy, không thích phải nấp trong hang vào đúng đêm Giao thừa. Từ bao giờ, trong tâm hồn non nớt của Tiểu Thục đã sinh ra một loại suy nghĩ còn trưởng thành hơn gấp vạn lần số tuổi của mình. Tiểu Thục lẽ ra phải sống tốt hơn thế này. Nàng đã sai khi không thể bảo vệ được con bé.
– Mẹ xin lỗi. – Nàng siết chặt vòng tay – Bé con của mẹ vất vả rồi.
Chàng nằm dưới, âm thầm quan sát tất cả. Nghe tiếng sụt sùi, chàng đoán là nàng đang khóc. Đợi khi Tiểu Thục ngủ thiếp đi, chàng mới khe khẽ gọi:
– Thanh Ca cô nương.
– Sao nữa? – Nàng đưa tay dụi mắt. Chàng có thể tưởng tượng ra cái dẩu môi quen thuộc của nàng mỗi khi đáp lại lời chàng.
– Cô nghĩ sao về bốn vị Hoàng tử?
– Ta chẳng nghĩ gì cả. Giống như lời ban nãy ta kể Tiểu Thục nghe vậy thôi.
– Ta muốn nghe suy nghĩ thật của cô.
– Ngài nghĩ họ tốt lắm hay sao mà phải hỏi? Kẻ thì tàn ác hung bạo, giết người không gớm tay. Kẻ thì tâm cơ, xảo trá, bòn rút lương thực của dân. Mà ngài dụ ta nói ra, chắc để tống ta vào ngục phải không? Làm gì có ai chấp nhận một kẻ có tư tưởng khác người như ta kia chứ? Ta biết ngài không phải người thường. Ngài luôn đúng. Kể cả khi ngài sai thì ngài vẫn đúng. Đó chẳng phải là điều mà thường dân như chúng ta luôn phải thừa nhận hay sao?
– Bọn họ, bốn vị hoàng tử, trong mắt cô ai cũng như vậy sao? Thế còn… Nhị Hoàng tử?
Nàng dịu giọng nhưng xem chừng vẫn khá căng thẳng:
– Đều giống nhau cả thôi. Trong mắt ta, tất cả bọn họ đều xấu xa. Giờ thì ngài nghe hết rồi đấy. Có bắt ta vì tội khi quân hay gì đó thì hãy đợi khi ta ngủ một giấc rồi hẵng bắt.
Nàng quay mặt nhìn ra phía chàng. Tự dưng, chàng vươn tới bắt lấy cổ tay nàng, ghé sát mặt mà hỏi:
– Trông ta lộng quyền vậy ư? Cô cũng không muốn biết ta là ai sao?
Thật tình nàng không tin người có đôi mắt như kia lại có thể nhẫn tâm tống nàng vào ngục chỉ vì một vài lời vô hại như vừa nãy. Nhưng nàng không tài nào nghĩ khác đi được. Ai có quyền mà chẳng vậy, không sai khiến được người khác thì sẽ bỏ họ vào ngục, không chém đầu cũng chờ người róc xương đến chết. Trước giờ đều là vậy, làm gì có ngoại lệ nào?
– Ngài có là Hoàng đế thì cũng vậy cả thôi. Nếu ngài cứu được lũ trẻ khỏi bọn bắt cóc thì may ra ta còn nghĩ khác.
Nàng nhìn thẳng mặt chàng, chóp mũi chỉ cách trán chàng một gang tay. Sau đó, chàng tự động buông tay nàng và tắt đèn, thể hiện rằng mình không muốn tiếp tục cuộc cãi vã này nữa. Cả hai chưa ngủ nhưng đều không nói thêm câu gì. Giữa lúc ấy thì một mũi tên từ bên ngoài nhà lao tới, cắm phập vào xà ngang. Hạc Hiên và Thanh Ca đều phải lập tức bật dậy.