Chiếc Nhẫn Không Có Chủ Nhân - Chương 6
Ngay sau khi đến huyện A của thành phố X, Hòa đã cứu con trai chủ tiệm kim hoàn trong một vụ hỏa hoạn. Sau khi tỉnh dậy, cậu ấy gặp Hòa cảm ơn rối rít. Người cha để tỏ lòng cảm kích muốn tặng anh một thỏi vàng nhưng anh kiên quyết không nhận. Cảm động trước tấm lòng nghĩa hiệp của anh, ông muốn anh về làm cho tiệm của mình để thay thế người nhân viên cũ đã trộm mất năm lượng vàng của ông chỉ sau hai buổi làm. Phải có niềm tin mãnh liệt như thế nào mới khiến ông tin tưởng Hòa – một con người nghèo khổ chính trực. Anh vì muốn có một công việc ổn định để làm nên chấp nhận lời đề nghị của người chủ tiệm.
Một buổi chiều, khi bầu trời đang từ vàng ruộm nắng chuyển sang đỏ rực, con trai người chủ là Quân chạy ào vào kho xưởng. Hòa đang tạo mẫu sáp bằng máy khoan nhỏ.
Quân ngạc nhiên, nhìn đôi bàn tay tỉ mỉ làm từng chút một của Hòa: “Anh biết chế tác trang sức luôn à?” Cậu nhỏ tuổi hơn Hòa nên gọi anh bằng anh.
“Trước đây tôi có học nghề ở xưởng kim hoàn Thanh Nguyên nên có biết chút chút.” Hòa ngước mắt lên hỏi: “Có việc gì không?”
Nhớ tới việc chính, Quân ngồi xuống ghế bên cạnh Hòa, dè chừng: “Có chuyện này… em cứ thấy là lạ muốn biết thực hư ra sao nên mới tới hỏi anh…” Cậu lấy ra từ trong túi quần tờ giấy gấp làm tư, mở ra đặt trước mặt Hòa.
Mặt anh biến sắc. Đó là lệnh truy nã người có cái tên Nguyễn Minh Hòa, chính là anh. Bên trên có vẽ khuôn mặt anh, bên dưới là tội trạng của anh. Xem ra Khánh muốn diệt cỏ tận gốc nên đã đi khắp thành phố X loan tin.
“Không phải là sự thật đúng không anh? Em không tin đâu, người liêm chính như anh sao có thể chứ?” Quân dòm nét mặt Hòa, nói tiếp.
“Đúng vậy, người ta vu khống cho tôi ăn cắp vàng ở xưởng kim hoàn. Hắn có quyền thế, tống tôi vào tù và tôi không thể làm gì. Hắn dùng cực hình ép tôi nhận tội nên cảnh sát đều tin rằng tôi là kẻ cắp. Sau đó một người bạn trong tù hiểu rõ nỗi oan của tôi nên đã tình nguyện giúp tôi trốn ngục.” Hòa kể, chân thành và không giấu giếm.
“Ra là vậy.” Quân thở phào rồi cậu tiếp tục: “Anh cứ yên tâm ở lại đây, em sẽ không nói đâu.”
Hai tròng mắt Hòa mở to: “Cậu tin tôi ư? Chuyện này sốc lắm đấy khi trong tiệm có một tù nhân trốn ngục. Nếu cảnh sát phát hiện, cậu và ba cậu sẽ bị liên lụy. Tội bao che là tội rất nặng.”
“Anh không làm gì sai trái thì việc gì phải sợ. Em tin là một ngày nào đó sự thật sẽ được phơi bày.” Quân nói khiến Hòa thừ người ra đó. Cậu giật áo anh: “Em có ý này nếu anh có tay nghề chế tác trang sức sao anh không làm và bán? Tiệm của ba em sẽ giúp anh kinh doanh.”
“Cậu đừng đùa, tay nghề tôi còn non lắm sao có thể làm để bán được chứ? Tôi làm chỉ vì thực hiện lời hứa với một người và với chính mình.”
Quân không quan tâm lời hứa của Hòa, cậu thuyết phục: “Không thử sao biết không được. Anh cứ nghe em, nhé.” Cậu cầm mẫu phác thảo của chiếc nhẫn lên săm soi: “Tuy chỉ là mẫu phác thảo trên giấy nhưng em thấy chiếc nhẫn này thật đẹp. Chắc anh làm để tặng cho người anh thương, đúng không?”
“Người ta đã có bạn trai rồi.” Hòa cười chua xót.
“Ồ, vậy à! Em hơi nhiều chuyện nhỉ. Anh thử làm một chiếc vòng tay đi. Quyết định vậy nhé.” Không để Hòa phản đối, Quân nhanh chân bước ra khỏi xưởng.
Quân nài nỉ mãi, Hòa cũng xiêu lòng làm thử một chiếc vòng tay. Quy trình tạo ra một món đồ trang sức mất rất nhiều công đoạn và thời gian nhưng khi sản phẩm hoàn thành, đó là một niềm vui rất lớn. Chiếc vòng tay do Hòa thiết kế được đặt trong tủ kính, giữa những chiếc nhẫn và lắc tay khác. Một ngày nọ, nó lọt vào mắt của một khách hàng nữ sành về trang sức. Cô khen chiếc vòng tay được đúc tinh xảo và bắt mắt. Cô mua nó với giá khá cao.
Hòa không thể tin món đồ mình làm ra lại có người mua chứ đừng nói chi đến việc mua với giá cao. Quân đưa số tiền bán được từ chiếc vòng tay cho Hòa nhưng anh không lấy. Cậu buộc anh phải lấy.
“Đây là công sức của anh, anh xứng đáng được nhận nó.”
Hòa cầm tiền trong tay, cảm thấy như đang mơ vậy. Anh làm thêm một số cái nữa, đem lợi nhuận về cho cửa tiệm.
Dù kiếm được tiền nhưng Hòa vẫn ăn mặc giản dị, vẫn những chiếc áo lem luốc và những chiếc quần cũ kỹ. Anh không vì đồng tiền mà đánh mất bản chất con người mình. Anh vẫn sống cô đơn, không thích giao du và tránh xa hư vinh.
Một đêm trong căn phòng của mình, Hòa ngồi bên cửa sổ vừa nhâm nhi trà vừa hồi tưởng lại quãng thời gian đã qua. Tách trà sen thơm ngát, những ánh sao ẩn hiện trong những giọt trà sóng sánh. Một ngọn gió thanh mát thổi qua khe cửa.
Đói nghèo, bị chửi bới, khinh khi, ngục tù, những năm tháng khốn khổ, những lần bị hành hạ bởi những tên cai ngục tàn bạo, người bạn tù, cuộc trốn chạy… tất cả đã làm nên anh của ngày hôm nay. Dù anh biết con đường phía trước còn lắm gian nan, lệnh truy nã vẫn tiếp diễn nhưng anh vẫn hy vọng vào cái gọi là ‘ngày mai’. ‘Ngày mai’ ấy có thể anh sẽ bị bắt lại hoặc cũng có thể anh sẽ bình yên đến cuối đời. Dù thế nào đi nữa thì anh cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đối mặt với những điều sẽ xảy ra trong tương lai.
Đêm trôi qua. Những gì còn sót lại chỉ là ánh sáng và bóng tối kia. Rồi một mai ánh sáng sẽ làm tan biến bóng tối cô độc.
Dòng thời gian quay đều. Trăng tròn rồi khuyết. Ngày tàn đêm xuống.
Trên con đường rộng và dài thênh thang, nắng xuyên qua tán lá đong đưa nhịp gió. Một cô gái đội chiếc mũ vành rộng, mặc bộ đồ bà ba sờn vải, chân đi đôi dép cũ rích. Trên tay cầm xấp vé số, dưới cánh tay cắp chiếc túi màu đen đựng tiền bán được. Cứ chốc chốc cô gái lại đưa tay ra sau lưng đấm đấm vài cái cho bớt nhức. Trong đáy mắt mang một vẻ bi thương tột cùng.
Đó là Diễm, cô gái trẻ xinh đẹp ngày nào giờ đã xuống sắc khi mang bụng bầu.
Kể từ ngày giấc mơ tan vỡ, trong lòng cô chỉ có hận thù thậm chí cô còn muốn đi tìm để giết Khánh. Rồi thời gian qua đi, nỗi hận trong cô giảm xuống, cô khóa chặt cánh cửa quá khứ.
Khánh dường như đã quên mất sự tồn tại của Diễm trên cõi đời này. Sau khi cưới vợ, hắn vẫn không từ bỏ việc vui chơi thác loạn bên những người tình chân dài trong các hộp đêm.
Bỏ lại tất cả phía sau, Diễm tự nhủ phải mạnh mẽ để bước tiếp. Cô cũng đã học được cách kiềm chế cám dỗ, không còn tin tưởng vào bất cứ người đàn ông nào nữa. Cô thà sống một mình, chấp nhận làm mẹ đơn thân còn hơn yêu đương trong say đắm rồi giữ lấy hạnh phúc trong ảo mộng.
Nếu lúc trước mục đích sống của cô là kiếm tiền mua nhà, mua xe còn bây giờ cô chỉ muốn sống để cho một hình hài mới sắp sửa chào đời. Dẫu cô biết rằng cuộc đời đứa bé sau này sẽ khổ, nó có thể hận cô khi không cho nó một người cha tử tế. Nhưng cô còn biết làm gì hơn, chỉ có thể trách cô quá ngốc, quá tham lam. Nếu ông trời đã cho đứa bé đến với thế gian này thì cô cũng không nỡ cướp đi sinh mệnh của nó. Dù trai hay gái, cô chỉ hy vọng mai này lớn khôn, nó sẽ không đi vào vết xe đỗ của mẹ nó như hôm nay.
Trải qua nhiều biến cố, cô trở nên điềm đạm, ít nói. Cô thực sự ân hận lắm rồi nhưng nỗi ân hận đó đã quá muộn, không thể trả lại cô một tuổi xuân chưa từng bị vấy bẩn.
Diễm không dám về nhà mẹ nuôi mà ở trong một xóm trọ nghèo. Hai bên dãy nhà trọ chật hẹp, tù túng. Con đường chính giữa bé xíu đến mức chỉ dành cho một người đi bộ, nếu có hai người cùng đi thì một trong hai phải nép sát vào bức tường để nhường cho người còn lại đi trước. Cô ở cùng với chị Tuyết hơn cô ba tuổi. Cả hai không có huyết thống gì cũng không phải là bạn học chỉ là vô tình thuê chung một phòng. Tiền phòng, tiền sinh hoạt, cả hai chia đôi. Chị Tuyết từ dưới quê lên thành phố mưu sinh. Biết hoàn cảnh đáng thương của Diễm, chị thường xuyên giúp đỡ. Nhưng giúp hoài, cô cũng thấy ngại và từ chối khi chị cho tiền. Chị cũng thôi nài nỉ nhưng bù lại có quà vặt gì ngon, chị cũng đều san sẻ với người bạn chung phòng.
Mới năm giờ chiều mà cảnh vật mờ tối. Khi Diễm bước vào con đường hẹp giữa hai dãy nhà trọ thì trời chuyển mây đen. Khu nhà trọ đã tối nay lại càng tối hơn.
“Em sắp đẻ rồi đừng đi bán nữa, ở nhà nghỉ ngơi cho lại sức, rủi có chuyện gì xảy ra trong lúc em đi bán thì sao?” Chị Tuyết nói khi thấy Diễm mở cửa vô nhà.
Diễm vừa ngồi xuống ghế, cởi chiếc mũ ra, nói: “Em phải đi bán chị à, như vậy mới có tiền nuôi đứa bé. Nó sắp chào đời rồi, có rất nhiều thứ cần phải mua.”
Trời sắp đổ mưa, chị Tuyết ra ngoài sân lấy quần áo khô vào, vừa kịp lúc trận mưa ào xuống ngay sau lưng – cơn mưa muộn nhất trong mùa đông năm nay.
Vừa xếp quần áo, chị nói: “Em đã liên lạc với hắn chưa, phải bắt hắn chịu trách nhiệm chứ?”
Diễm cười buồn, đôi mắt lại ngân ngấn lệ: “Bỏ đi chị, anh ta chỉ chơi vui qua đường với em, không đời nào anh ta chịu chấp nhận đứa bé đâu. Chỉ có thể trách em ngu dại, ham vật chất mà dính bẫy anh ta.” Nước mắt cô giàn giụa, ướt khắp hai gò má xanh xao.
Chị Tuyết bước đến ôm Diễm, vỗ về: “Thật tội nghiệp. Em phải gắng sống nghe chưa, ăn uống nhiều vào. Dù thế nào cũng phải khỏe mạnh để được mẹ tròn con vuông. Ở nơi nào đó tên bạc tình sẽ phải bị quả báo thôi.”
Đau lòng đưa tay lau nước mắt, Diễm nghẹn ngào: “Chắc không đâu chị, giờ anh ta đang sung sướng, hạnh phúc bên vợ của mình.”
Chị Tuyết hừm một tiếng: “Hắn mà cũng có vợ sao? Không biết cô gái nào ngu mà đâm đầu vào.”
Chị càng nói, Diễm càng khóc to hơn. Không phải chị cố ý chạm vào nỗi đau trong cô. Chị mủi lòng và xót thương cô gái trẻ khi gặp phải loại người không ra gì.
Diễm chuyển dạ trong một lần đi bán vé số và được một người dân tốt bụng đưa vào bệnh viện. Bác sĩ đã phải mổ mới có thể lấy đứa bé ra khỏi bụng cô. May mắn sau cuộc phẫu thuật, cả hai mẹ con đều an toàn. Cô hạ sinh một bé trai kháu khỉnh và đặt tên là Thành Nhân. Cái tên ấy cũng là điều mà cô mong muốn sau khi thằng bé trưởng thành. Chị Tuyết xin nghỉ phép vài ngày ở cơ quan để đến bệnh viện chăm sóc cho cô.
Diễm sinh con được một năm thì Xuân cũng sinh đứa con đầu lòng cho Khánh. Hắn muốn con trai để nối dõi tông đường nhưng Xuân lại sinh con gái khiến hắn trở nên điên loạn đập phá đồ đạc. Hắn còn không gặp mặt cô trong thời gian cô ở cữ. Cô uất nghẹn, cắn môi đến bật máu. Cũng vì thế mà tần suất hắn ở ngoài vui đùa cùng mấy cô vũ nữ tại hộp đêm ngày một nhiều hơn. Một tháng ba mươi ngày, hắn ở khách sạn hết hai mươi chín ngày. Có hôm hắn còn đem nhân tình về nhà ân ái trước mặt Xuân. Cô phát điên, cào cấu kẻ tiểu tam trong khi hắn chỉ đứng trơ mắt nhìn.
Cứ tưởng Khánh sẽ thay đổi sau khi có con nhưng nào ngờ hắn cặp hết cô gái này đến cô gái khác và vung tiền cho họ. Xuân mệt mỏi khi phải đi đánh ghen hàng ngày, cô bỏ mặc để chồng muốn làm gì thì làm nhưng cô tuyệt đối không ly dị. Bởi cô yêu hắn, yêu cái thứ đàn ông đốn mạt, khốn nạn ấy và quan trọng cô không muốn bé Linh – con gái mình – không có cha.
Vì muốn có thêm tiền để nuôi con, Diễm quyết định làm công việc mà ai cũng coi thường: gái ‘bán hoa’.
Khi cô nói điều này với chị Tuyết, chị hơi bất ngờ hỏi lại: “Em đã suy nghĩ kỹ chưa?”
“Rồi chị ạ! Em không còn lựa chọn nào khác.” Diễm nói, cho bé Nhân bú sữa bình.
Chị Tuyết ngập ngừng: “Nhưng có khá nhiều rủi ro. Nếu em cần việc làm thì chị sẽ giúp em tìm việc nhưng hơi lâu.”
“Em có thể chờ nhưng con em thì không. Sữa của Nhân đã hết và còn tiền mua áo quần nữa. Dù có khó khăn thế nào em cũng muốn thằng bé khỏe mạnh mà lớn lên. Đây là con đường duy nhất. Dù sao thì đời em chẳng còn gì nữa, em sống là vì Nhân thôi chị.”
Thấy Diễm kiên quyết, chị Tuyết thôi khuyên nhưng chị nhắc: “Em phải cẩn thận đấy nhé, giờ em mà có mệnh hệ gì, bé Nhân sẽ không biết sống thế nào đâu đấy.”
“Chị đừng lo, sau khi trải qua vấp ngã em đã trưởng thành lên rất nhiều. Ban ngày em sẽ trông nom bé Nhân còn buổi tối em nhờ chị nhé, chị Tuyết. Bé Nhân là lẽ sống của đời em, em nhất định… nhất định sẽ nuôi thằng bé khôn lớn thành người.”
Diễm nghẹn giọng, cúi người hôn lên má đứa bé, lòng quặn thắt. Cô ôm con mình, bật khóc nức nở. Nhân quờ quạng đôi tay bé xíu, vô tình chạm vào những giọt nước mắt của mẹ nó càng làm tim cô đau đớn khôn nguôi. Chị Tuyết xót xa bước lại ôm hai mẹ con, vỗ về.
Từ hôm ấy cứ tầm khoảng sáu giờ chiều, những người trong xóm trọ luôn nhìn thấy một cô gái ăn mặc đỏm dáng, tô môi đỏ chót, tóc uốn xoăn nhuộm vàng hoe bước ra từ căn phòng số ba và đi đến tối mịt, có khi gần bốn giờ sáng cô mới về nhà trọ.
Những lời bàn tán xì xầm của những kẻ rỗi hơi vang lên khi nhìn thấy sự việc trước mắt.
“Làm việc ban đêm ngoài mua vui cho đàn ông thì còn là công việc gì nữa.”
“Cô ta đã làm mẹ rồi mà còn như thế. Đúng là mất nết.”
“Nếu cô ta có nết thì đã chẳng chửa hoang, chỉ tội cho đứa nhỏ không biết sau này lớn lên sẽ như thế nào nữa.”
“Nghe nói cô ta làm gái để kiếm tiền mua sữa cho con. Thật đáng thương.”
“Bộ hết công việc rồi hay sao mà làm cái công việc thấp kém đó. Nếu là tôi, tôi ẵm đứa nhỏ đi ăn xin còn hơn.”
Chị Tuyết ẵm bé Nhân đứng cạnh cửa, nghe những lời ấy, trong lòng vừa căm phẫn vừa thương xót cho Diễm. Họ không hiểu nỗi khổ của cô. Những gì cô làm đều xuất phát từ tấm lòng của người mẹ dành cho con mình. Bé Nhân sinh ra trong hoàn cảnh không may. Cô muốn bù đắp cho thằng bé, chỉ cần thằng bé được sống đủ đầy, no ấm thì dù cô có bị thiên hạ chỉ trích, coi rẻ cô cũng chấp nhận.
Nửa khuya, một chiếc xe con đỗ xịch trước cổng khu trọ nghèo nàn. Một người đàn ông béo núc ních, lớn hơn cô cả chục tuổi đã có vợ con nhưng khoái gặm cỏ non nên muốn Diễm làm vợ bé. Dĩ nhiên ông ta không hề biết quá khứ của cô và cô cũng chẳng buồn nói ra.
Dúi vào tay Diễm một xấp tiền, ông ta nói: “Lời đề nghị của anh, em suy nghĩ lại nhé. Con cọp cái nhà anh nó dữ lắm, anh cần một người vợ ngoan hiền, dịu dàng như em.”
“Em không muốn làm kẻ thứ ba phá gia can của người khác đâu.” Diễm nói, không đồng ý cũng không phản đối.
“Anh sẽ ly hôn với mụ ta ngay để cưới em. Như vậy được chưa?”
“Đến khi nào anh làm được điều đó rồi chúng ta sẽ bàn tiếp chuyện này. Em vào đây.” Diễm mở cửa xe, đi vào xóm trọ.
Mối quan hệ giữa cô với người đàn ông kia vẫn lén lút qua lại cho đến khi vợ của ông ta phát hiện. Bà sai thám tử điều tra về cô và đến tận nhà trọ đánh ghen khi cô vừa về tới. Lúc ấy là sáu giờ sáng.
Diễm đang bước thì bị một bàn tay giật lấy tóc, xoay người cô lại vung tay tát mạnh vào má cô làm cô loạng choạng ngã xuống đất. Mỗi một cái tát là những câu rít qua kẽ răng: “Con đĩ, mày dám dụ dỗ chồng tao à? Mày và nó quen nhau bao lâu rồi, mày đã moi tiền của nó bao lâu rồi hả?”
Diễm chỉ biết ôm đầu chịu trận, không nói một lời cũng không phản kháng.
Giọng của bà ta to tiếng đánh thức buổi sáng yên ắng. Những người thuê trọ ở đây đều xô cửa chạy ra xem nhưng tuyệt nhiên không ai can ngăn ngoại trừ chị Tuyết.
Chị Tuyết bước đến đỡ Diễm dậy, đứng chắn trước mặt cô nói với kẻ gây rối: “Có chuyện gì vậy, tại sao lại đánh người?”
“Nó quyến rũ chồng tao.” Người đàn bà chỉ vào người Diễm, gắt gỏng.
“Nếu chồng bà không lăng nhăng thì sao có cơ hội cho kẻ thứ ba? Nếu muốn trách thì phải trách cả hai. Tôi nghĩ bà nên về nhà dạy dỗ lại chồng mình, không chừng khi bà ở đây đánh người, mắng người thì ông ta dang díu với cô gái khác cũng nên. Làm sao bà biết sau lưng mình, ông ta quan hệ với bao nhiêu cô gái, sao biết chắc là cô ấy? Tôi khuyên bà nên trói chân chồng mình lại đừng để ông ta trăng hoa bên ngoài thì các cô gái cũng chẳng có cơ hội xen vào.” Chị Tuyết điềm đạm nói.
Nghe nói bùi tai, người đàn bà nguôi giận, chỉ mặt Diễm: “Mày nhớ mặt mày đấy, nếu còn có lần sau thì đừng trách tao độc ác.” Rồi bà ta bỏ đi với vẻ hậm hực.
Chị Tuyết dìu Diễm vào phòng, lấy dầu thoa lên vết bầm trên mặt cô, nói: “Em thấy chưa, mọi rắc rối bắt đầu rồi đấy. Lần này em bị người ta đánh không biết lần sau sẽ là gì. Hay là em bỏ công việc này đi.”
Diễm nói nhanh: “Không, chị. Em vẫn sẽ tiếp tục. Đã đến nước này rồi em không còn cơ hội quay đầu lại nữa.”
“Nhưng…”
Diễm cắt lời chị Tuyết: “Chị yên tâm, em sẽ không để chuyện này lặp lại nữa đâu.”
Bé Nhân đã thức dậy, quấy khóc và đòi ăn. Diễm bước lại chiếc nôi, bế thằng bé lên dỗ nín rồi đi pha sữa cho nó.